Ủng hộ ngư dân; thông tin về Hoàng Sa-Trường Sa để giữ gìn biển đảo quê hương.

Một số TP trên thế giới có những công trình trở nên nổi tiếng toàn cầu. Paris có tháp Eiffel, New York có tượng Nữ Thần Tự Do, Singapore có tượng ngư sư đang phun nước.

Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với các bạn hai công trình: tháp Eiffel và tượng Nữ Thần Tự Do. Hai công trình này ngoài việc rất nổi tiếng, có lịch sử hơn trăm năm, nó còn là công trình do dân vận động xây nên, hoàn toàn do dân chủ trì từ ý tưởng đến vận động thực hiện.

1. Tháp Eiffel:

Thap EiffelÝ tưởng về tháp Eiffel (lúc đó có tên gọi là tháp 300 m) được khai sinh ở Tân Lục Địa, tại Hoa Kỳ với nền kinh tế trẻ và năng động. Cho dịp Triển lãm thế giới năm 1876 tại Philadelphia, các kỹ sư Clark và Reeves đã hình dung một cột tháp hình trụ đường kính 9 mét, giữ bởi các dây néo bằng kim loại, néo xuống một đường kính 45 mét chung quanh, chiều cao 1.000 foot, tức khoảng 300 mét. Gặp những vấn đề về tài chính, cột tháp The Centennial Tower – Tháp Thế Kỷ – đã không bao giờ được thực hiện, nhưng dự án được đăng tải ở Pháp trên tạp chí Nature.

Nước Pháp có kế hoạch tổ chức triển lãm thế giới tại Paris vào năm 1889, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp đồng thời phô trương sức mạnh công nghiệp hóa của nước Pháp đã đạt được. Qua cuộc triển lãm này, Paris muốn sẽ lại một lần nữa là “trung tâm” của thế giới. Người ta muốn có một công trình tầm cỡ đánh dấu sự kiện này.

Vào tháng 6 năm 1884, hai kỹ sư của công ty Eiffel: Maurice Koechlin và Émile Nouguier, trưởng phòng nghiên cứu và trưởng phòng phương pháp, quan tâm đến dự án một chiếc tháp bằng kim loại cao 300 mét. Họ hy vọng sẽ có thể biến công trình đó thành cái đinh của Triển lãm thế giới năm 1889. Sau một thời gian chỉnh sửa thiết kế và tổ chức các cuộc thi, người ta có bản vẽ hoàn chỉnh như công trình hiện nay. Kỹ sư Gustave Eiffel (người thầu làm cầu Long Biên và Tràng Tiền ở nước ta) đã tiến hành mua đứt đồ an thiết kế, tiến hành xin phép xây dựng. Chính điều này mà tên ông được vinh dự đặt cho ngọn tháp này – tháp Eiffel.

Với thời gian xây dựng 2 năm và chi phí xây dựng vượt 1,5 triệu franc (một số tiền rất lớn lúc đó), Eiffel được quyền khai thác thương mại công trình trong 20 năm (sau được nâng lên 70 năm vì Eiffel đầu tư thêm cho nghiên cứu khoa học), sau đó bàn giao công trình cho Tp Paris

Ngày nay, tháp Eiffel là tài sản của nước Pháp, nó được hội đồng thành phố Paris quản lý và khai thác thương mại, tiền thu về dùng vào việc công ích.

Ngày nay, tháp Eiffel trở thành biểu tượng của “kinh đô ánh sáng” và là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới.

Chi tiết xem thêm tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_Eiffel

2. Công trình tượng Nữ Thần Tự Do.

Statue_of_Liberty_7Dự án Tượng Nữ thần Tự do là do chính trị gia kiêm giáo sư luật học người Pháp, Édouard René de Laboulaye gợi ý vào giữa năm 1865, trong một buổi nói chuyện sau giờ ăn tối ở tư gia gần Versailles. Laboulaye phát biểu rằng “nếu một tượng đài cần được dựng lên tại Hoa Kỳ để làm đài kỷ niệm đánh dấu nền độc lập của họ, tôi thiết nghĩ lẽ tự nhiên duy nhất là nếu nó được xây dựng bằng sự hợp lực – một việc làm chung của cả hai quốc gia chúng ta”.

Lời phát biểu của Laboulaye không có dụng ý khởi xướng dự án nhưng đã gây nguồn cảm hứng cho một điêu khắc gia trẻ, Frédéric Bartholdi, người có mặt trong buổi ăn tối hôm đó và vị điêu khắc gia trẻ này ấp ủ ý định thực hiện nó. Từ lâu Bartholdi từng ấp ủ ý định viếng thăm Hoa Kỳ. Sau khi bàn bạc với Laboulaye, ông cho là thời điểm đã đến nên hỏi ý chính giới Mỹ. Tháng 6 năm 1871, Bartholdi vượt Đại Tây Dương với lá thư giới thiệu do Laboulaye ký.

Bartholdi đi khắp từ đông sang tây Hoa Kỳ hai lần bằng xe lửa, gặp mặt nhiều người Mỹ ủng hộ dự án, trong đó có Tổng thống Ulysses Simpson Grant nhưng Grant cho rằng trưng dụng đảo Bedloe làm nơi dựng tượng là chuyện rất khó. Bartholdi cho rằng công luận ở cả Pháp lẫn Mỹ vẫn chưa đón nhận dự án một cách nồng nhiệt bèn cùng Laboulaye hoãn chờ một thời gian, đợi ngày mở cuộc vận động công chúng. Sau chuyến đi vận động không thành công trên, ông quay về Pháp làm công việc chuyên môn của mình, xây dựng danh tiếng và đợi thời cơ.

Năm 1875, trong khi tình hình chính trị Pháp dần ổn định và kinh tế cũng hồi phục sau cuộc chiến tranh với Phổ thì dân chúng cũng náo nức mong đợi Hội chợ Thế giới năm 1876 sắp khai trương tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Nhân cơ hội này Laboulaye mới vận động tìm hậu thuẫn để thực hiện dự án. Tháng 9 năm 1875, ông chính thức thông báo dự án và lập liên hội Mỹ-Pháp với vai trò gây quỹ cho kế hoạch Nữ thần Tự Do Soi sáng Thế giới. Dù trải qua nhiều trắc trở nhưng lần này ông đã thành công. Ban đầu họ tập trung vận động giới thượng lưu nhưng sau đã huy động được mọi tầng lớp xã hội: thường dân và cả học sinh đều tham gia. Có 181 thị xã trải rộng khắp nước Pháp cũng góp tiền.

Trong chuyến đi lần thứ hai đến Hoa Kỳ, Bartholdi đi diễn thuyết nhiều nơi, nói chuyện về dự án lớn của ông và kêu gọi bên phía Mỹ hãy mau lập ủy ban cùng hợp tác với liên hội Mỹ-Pháp để xây tượng. Lần lượt các ủy ban địa phương ra đời tại New York, Boston và Philadelphia, phụ trách việc quyên góp để tài trợ phần xây bệ. Riêng ủy ban New York đảm nhiệm phần lớn việc vận động tại Hoa Kỳ nên sau mang danh là “Ủy ban Hoa Kỳ”. Một trong những ủy viên ở New York lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt, một thanh niên mới 19 tuổi. Nhân vật này sau đắc cử thống đốc tiểu bang New York rồi lên làm tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 3 tháng 3 năm 1877, vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Grant ký một nghị quyết chính thức nhận bức tượng là quà tặng của Pháp. Tổng thống Rutherford Birchard Hayes, người kế nhiệm ngày hôm sau, đã phê duyệt và chọn lấy đảo Bedloe y như Bartholdi đề nghị trước kia.

Trải qua nhiều trắc trở, nhiều rào cản nhưng cuối cùng bức tượng cũng được hoàn thành và được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886.

Để đánh dấu việc hoàn thành bức tượng, một cuộc diễn hành lớn diễn ra tại Thành phố New York. Đó cũng là lần đầu tiên công chúng chứng kiến hoa giấy tung xuống đường phố như tuyết rơi. Buổi lễ khánh thành do Tổng thống Grover Cleveland làm chủ tọa.

Tượng Nữ thần Tự do được Ban đặc trách Hải đăng Hoa Kỳ quản lý cho đến năm 1901 và rồi sau đó là Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ; kể từ năm 1933 thì do Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý.

Theo thời gian bức tượng Nữ Thần Tự Do trở nên nổi tiếng trên toàn cầu và  là biểu tượng mẫu mực của lý tưởng tự do cũng như của chính Hoa Kỳ

Năm 1984, Tượng Nữ thần Tự do được UNESCO công bố là di sản thế giới. Trong “Lời tuyên bố về tầm quann trọng”, UNESCO miêu tả bức tượng như một “kiệt tác tinh thần của nhân loại” đang “đứng vững như một biểu tượng hùng tráng cao độ — truyền cảm hứng cho dự tính, tranh luận và đấu tranh – cho những lý tưởng như tự do, hòa bình, nhân quyền, bãi nô, dân chủ và cơ hội”.

Thông tin chi tiết xem thêm tại đây:

http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0%E1%BB%A3ng_N%E1%BB%AF_th%E1%BA%A7n_T%E1%BB%B1_do

3. Chúng ta:

Qua tìm hiểu hai công trình nổi tiếng tên, ta thấy rằng từ một ý tưởng đến hiện thực tốn rất nhiều thời gian: tháp Eiffel tốn 13 năm (1876-1889), tượng Nữ Thần Tự Do tốn 21 năm (1865-1886). Đó còn là ở các nước có nền dân chủ mạnh, có xã hội dân sự phát triển và con người cũng nhiệt tình hăng hái trong công việc xã hội. Ở nước ta thì những điều kiện trên ít thuận lợi hơn, tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có công nghệ thông tin mạnh hơn, hiện đại hơn 100 năm trước đây và người VN ta có mặt khắp nơi trên thế giới đều có tầm lòng hướng về quê cha đất tổ.

Dự án công trình gây quỹ Hoàng Sa – Trường Sa với hai con tàu mang cùng tên là một dự án lớn, khó khăn và lâu dài. Tuy nhiên chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện được vì dự án này có tính ý nghĩa cao. Việc hiện diện hai con tàu mang tên Hoàng Sa, Trường Sa trên sông Hàn, Tp Đà Nẵng, nó có ý nghĩa như sự khẳng định chủ quyền của nước ta, dân tộc ta đối với hai quần đảo trên. Đây cũng chính là điểm nhấn mà chúng ta muốn đóng góp cho TP trẻ năng động này. Đà Nẵng cũng là TP chủ quản của huyện đảo Hoàng Sa nên ý nghĩa càng được nhân lên.

Qua việc tìm hiểu hai công trình tháp Eiffel và tượng Nữ Thần Tự Do, chúng ta thấy những người khởi xướng và góp công thực hiện nó đều được lưu danh sử sách và có vinh quang xứng đáng cho sự đóng góp công sức của mình, nhiều người đã tiến thân trong xã hội như trường hợp chàng trai trẻ 19 tuổi Theodore Roosevelt (sau này là tổng thống Hoa Kỳ). Các bạn trẻ hãy cống hiến sức mình cho xã hội, cho đất nước thì xã hội không phụ các bạn.

Qua việc tìm hiểu công trình tháp Eiffel chúng ta cũng trả lời được băn khoăn của nhiều người là làm thế nào để tách bạch, xử lý được xung đột giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu xã hội. Giải pháp là khoán công trình cho nhà thầu khai thác thương mại một thời gian để họ thu hồi vốn bỏ ra, sau đó công trình là của TP, của chung người dân với tiêu chí quản lý rõ ràng. Sau này chúng ta có thể tiến hành đấu thầu quyền khai thác công trình trong từng 10 năm 1 lần, số tiền thu được sẽ bổ sung vào quỹ HSTS.

Qua việc tìm hiểu công trình tượng Nữ Thần Tự Do, chúng ta trả lời được thắc mắc của nhiều người là “Đà Nẵng hiện có nhiều điểm nhấn thì cần gì điểm nhấn nữa”. Rõ ràng New York có rất nhiều điểm nhấn rất hoành tránh nhưng công trình tượng Nữ Thần Tự Do không chỉ là điểm nhấn về kiến trúc, xây dựng như bao công trình khác mà nó còn mang trong mình khát vọng của nhân loại: “Công Lý và Tự Do”. Tương tự như vậy, hai con tàu Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là điểm nhấn về kiến trúc mà còn là nơi gởi gắm, chuyên chở khát vọng, ý chí về toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và dân tộc Việt Nam ta nói chung.

Chúng ta thấy, việc thực hiện xây dựng công trình tượng Nữ Thần Tự Do đã thúc đẩy và tăng thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc Mỹ và Pháp. Qua công trình chung này, nhiều ủy ban ủng hộ đề án được lập ra ở khắp nước Pháp và nước Mỹ, các ủy ban đã kết nối với nhau trong công việc và trong tình cảm. Tương tự như vậy, chúng tôi có niềm tin rằng: công trình gây quỹ HS TS cũng sẽ có đóng góp một phần nhỏ bé trong việc hòa hợp dân tộc. Dự án này thúc đẩy hòa hợp không chỉ ở khía cạnh chủ quyền biển đảo đất nước, điều mà dù là người VN định cư ở đâu, có chính kiến thế nào cũng sẽ hướng về đất mẹ và đồng thuận. Ngoài ra, trong quá trình vận động thực thi ý tưởng, chúng tôi có mong muốn hướng công trình này như là một dự án chung của nhiều người VN, dù ở đâu, có chính kiến thế nào, miễn là có tấm lòng đối với biển đảo của tổ quốc. Chúng tôi có kế hoạch lập các fanclub ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà còn ngoài nước: ở Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Châu Âu,….Chúng tôi hy vọng một ngày không xa khi công trình hoàn thành, hiện diện kiêu hãnh trên sông Hàn thơ mộng như một minh chứng cho quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi sẽ ra sân bay đón các bạn ở các fanclub khắp nơi. Khi đó, chúng ta sẽ có những cuộc cafe trao đổi trong tự hào về công trình và thắm tình anh em.

Nguyễn Văn Thạnh

Bình luận về bài viết này